Kết quả xổ số Lâm Đồng được trực tiếp trên sóng Phát thanh FM tần số 92,5 Mhz của Đài PTTH Bình Dương, sóng AM tần số 873Khz và sóng FM tần số 102,7Mhz của Đài tiếng nói Việt Nam khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long vào lúc 16 giờ 10 phút Chủ nhật hằng tuần
THÁNG BA, VỀ THĂM VƯỜN QUỐC GIA CÁT TIÊN 26/03/2021 In trang

“Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước

Câu hát thôi thúc chúng tôi tìm về với Vườn Quốc gia Cát Tiên vào những ngày cả thế giới tôn vinh phái đẹp.

Đoàn chúng tôi - Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lâm Đồng - rời Đà Lạt khi tia nắng đầu ngày chưa kịp làm tan những giọt sương đọng trên cành cây, ngọn cỏ. Mặc dù còn sớm, nhưng không khí trên xe được làm nóng bằng các trò chơi tập thể, nhờ có sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của các nhà tài trợ (Chủ tịch, Giám đốc), các khách mời “VTV” (các cô nguyên là Giám đốc, cán bộ hưu trí của Công ty), những “thanh niên lực lưỡng” được tuyển chọn từ các phòng, có bề dày kinh nghiệm trong việc chăm sóc chị em và đặc biệt là sự hiện diện của một bông hoa tươi thắm (Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng đoàn) cùng 26 bông hoa thắm tươi đã góp phần làm cho không khí trên xe sôi động và rộn rã tiếng cười.

Sau 2 điểm dừng chân chụp ảnh lưu niệm và dùng cơm trưa, đoàn đã đến bến sông thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai để di chuyển bằng xuồng máy sang Vườn Quốc gia Cát Tiên. Lúc này là 13h00. Trời không quá nóng, nhưng với những cư dân Đà Lạt thì đủ để má ửng hồng và mồ hôi lấm tấm. Thủ tục nhận phòng khá nhanh do phong cách làm việc chuyên nghiệp.

13h30, cả đoàn được sắp xếp lên 2 xe chuyên dụng, bắt đầu khám phá rừng Cát Tiên. Dẫn đoàn là 2 nhân viên đang làm việc tại Vườn Quốc gia Cát Tiên - anh Quốc Vỵ và em Ka Tuyền. Nếu anh Vỵ là người có 20 năm gắn bó với rừng, thì Ka Tuyền (dân tộc S’Tiêng, đang sinh sống tại làng dân tộc Mạ) lại là tân binh, được Ban Giám đốc tạo điều kiện vào làm việc tại vườn. Thấy em có vẻ hơi trầm, tôi mạnh dạn gợi chuyện. Thì ra tour này anh Quốc Vỵ phụ trách chính, nên sẽ thuyết minh và hướng dẫn đoàn. Ngay mai, khi vào làng dân tộc Mạ, sẽ đến phần của em.

Điểm đầu tiên đoàn tham quan đó là cây Tung hơn 400 năm tuổi. Mọi người có thể cảm nhận được sự hoang sơ khi đi bộ dưới tán rừng, mặc dù nơi này đã đón không biết bao nhiêu lượt du khách.

Đoàn chụp hình kỷ niệm tại cây Tung hơn 400 năm tuổi
Đoàn chụp hình kỷ niệm tại cây Tung hơn 400 năm tuổi

Tôi tò mò hỏi Ka Tuyền: “Vì sao không chặt bỏ những cây khô, dọn bớt lá rụng?”. Tuyền nói: “Cái gì thuộc về tự nhiên, cứ để tự nhiên. Rừng là ngôi nhà của muông thú. Nếu muông thú thấy thoải mái, thích nghi, thì mình không nên can thiệp. Giả sử, chị đến nhà em. Chị có thể tự ý thay đổi vật dụng trong nhà em không? Chị có dám xả rác không? Thì rừng cũng vậy…”.

Cứ tưởng em ấy ít nói, hóa ra khi đụng đến “rừng” thì tình yêu trong em trỗi dậy! Em bắt đầu trải lòng: “Em may mắn hơn các bạn trong làng vì được làm việc ở đây, được tiếp xúc rất nhiều những nhà khoa học, nghiên cứu sinh đến từ các nước Anh, Pháp, Nga, Hàn Quốc... Họ yêu từng ngọn cỏ, say mê với các loài côn trùng và tuyệt đối bảo vệ hệ sinh thái rừng”. Ka Tuyền kể về ông giáo sư người Pháp đã dạy cho em sự tự tin khi giao tiếp bằng tiếng nước ngoài (em có thể nghe, hiểu và nói tiếng Pháp - dù không biết viết); kể về anh bạn tiến sĩ người Anh chỉ mới 19 tuổi nhưng kiến thức về các loài bướm ở đây thật đáng nể phục. Cùng lúc này, có một người nước ngoài đạp xe hướng ngược lại giơ tay chào đoàn. Ka Tuyền reo lên: “Đó đó, tiến sĩ côn trùng đó chị”. Họ chào nhau bằng nụ cười thân thiện vừa kịp xe lướt qua.

Đang say sưa kể về quá trình em đến với rừng, Ka Tuyền chợt dừng lại, chỉ cho tôi con chim đang đậu trên cành cây ven đường và hỏi: “Chị biết chim gì không?”. Rồi không đợi tôi trả lời, em nói: “Nó là con chim Vàng Anh. Mỏ nó màu đỏ. Thân nó màu vàng. Chim Vàng Anh thuộc bộ sẻ, hót rất giỏi. Ở đây còn có nhiều chim Bói Cá lắm. Loài chim này chỉ làm tổ ở hang đất, hốc cây gần sông vì nó chuyên lao xuống sông bắt cá. Chị, chị nhìn bên phải đi, đó là những cây Bằng Lăng Xoan đang thay lá. Nhìn khô cằn cứ tưởng chết, nhưng đến tháng 10 cây ra lá non rất đẹp. Người ta hay dùng flycam để quay rừng cây này vào mùa cây thay lá. Từ lúc lá đổi màu đến khi rụng hết đều có vẻ đẹp rất cuốn hút. Còn thân cây, gốc cây Bằng Lăng Xoan thì rất to, với nhiều hình thù lạ mắt”. Ka Tuyền tiếp tục câu chuyện: “Nếu trước đây cả làng em ai ai cũng phá rừng làm rẫy, săn bắt thú, thì giờ đã trồng rừng, trồng lúa và nhiều loại cây trồng khác”

Trong chuyến tham quan tuyến thực vật này, đoàn chúng tôi di chuyển bằng ô tô quãng đường đi - về 14km. Xe trước, xe sau nối đuôi nhau, nhưng phải giữ khoảng cách vì đang là đỉnh điểm của mùa khô nên bụi mù mịt.

Đang lúc cảm thấy ngột ngạt vì nóng bức thì xe vào đoạn rừng cây rậm rạp. Ka Tuyền hỏi tôi: “Nếu bị lạc trong rừng, chị có biết cách tìm đường thoát ra không?”. Tôi đáp: “Không” gọn lỏn. Em bảo: “Trước đây, em cũng giống như chị thôi. Nhưng nhờ có ông thầy người Hàn Quốc chỉ dạy mà giờ em đã biết nơi nào cây cối um tùm, xanh mát thì chắc chắn là gần bờ sông, con suối. Mình có thể nhịn đói chứ không thể nhịn khát”. Vừa lúc này, xe cũng đến điểm tham quan Hồ cây Si trăm thân. Đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm con bướm rập rờn. Phía trước và phía sau là vô số thân cây si trông như đàn trăn, rắn bò lổm ngổm đan vào nhau. Nếu đi vào lúc trời nhá nhem hoặc vào buổi tối trời mưa thì sẽ chết khiếp khi lạc vào hồ cây si. Nhưng vào lúc này thì quá thích hợp để lưu lại những bức ảnh đẹp. Đây cũng là nơi du khách trải nghiệm cảm giác sảng khoái khi ngâm mình dưới dòng nước nguồn tự nhiên chảy vào hồ. Do thời gian không cho phép và còn nhiều điểm tham quan nên đoàn chúng tôi rời hồ trong sự tiếc nuối. Những bộ đồ tắm mang theo đành nằm yên trong giỏ.

Đoàn chụp hình kỷ niệm tại Vườn Quốc gia Cát Tiên
Đoàn chụp hình kỷ niệm tại Vườn Quốc gia Cát Tiên

Điểm dừng tiếp đó là cây gõ Bác Đồng hơn 700 năm tuổi. Sở dĩ cây có tên gọi như vậy là do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm cây gõ đại thụ này vào ngày 12/02/1988. Tại đây, Bác Đồng đã có những lời khuyên rất quý giá về công tác bảo vệ rừng. Để kỷ niệm và nhắc nhở các thế hệ sau về trách nhiệm bảo tồn, Vườn Quốc gia Cát Tiên đã đặt tên cây gắn với tên Bác! Đây cũng là điểm cuối trong chuyến tham quan tuyến thực vật.

Đoàn rời xe ô tô, di chuyển xuống xuồng máy và ca nô bắt đầu hành trình dọc sông Đồng Nai ngắm hoàng hôn, ngắm chim về tổ. Cũng giống như Đồng Tháp Mười, nơi này là thủ phủ của cò. Dọc hai bên bờ sông có rất nhiều bụi tre - bến đỗ của cò, chim các loại. Mặc dù đã hơn 17h00 nhưng trời còn khá sáng. Vì vậy, trong ống kính của chúng tôi không có cảnh từng đàn chim cò bay về tổ. Hoàng hôn đang về trên mặt sông êm đềm, gió nhè nhẹ, cảnh vật yên bình cũng là một trải nghiệm thú vị.

Đoàn khám phá sông Đồng Nai và ngắm hoàng hôn trên thuyền
Đoàn khám phá sông Đồng Nai và ngắm hoàng hôn trên thuyền

 19h00, đoàn bắt đầu khám phá rừng về đêm - ngắm thú hoang dã. Cả 2 hướng dẫn viên đều nói rằng: “Đừng quá hy vọng để rồi thất vọng. Nếu gặp được thú là may mắn, còn không thì hẹn lần sau. Vì thú ở đây là thú rừng tự nhiên (chủ yếu thuộc bộ móng vuốt, thức ăn là cây cỏ, các loại quả, hạt…), nên việc di chuyển của chúng không theo một nguyên tắc hay lập trình nào. Có thể xe trước không gặp, nhưng xe sau lại gặp, mặc dù hai xe chỉ cách nhau 15 phút”. Và quả thực rất may mắn khi cả đoàn gặp được rất nhiều loài thú như nai, mễn, chồn hương, nhím, thỏ… Điện thoại cứ liên tục giơ lên để kịp ghi lại hình ảnh các con thú hoang dã. Xe trước chia sẻ hình ảnh những con nai với bộ sừng dài, bụng no tròn, đứng im, mắt ngơ ngác nhìn vào ánh đèn pha chuyên dụng mà chẳng chút sợ hãi. Xe sau cũng kịp ghi lại hình ảnh một con nhím đang chạy trốn ánh đèn pha cùng tiếng người reo lên ngạc nhiên, thú vị của đoàn. Cứ thế suốt một tiếng đồng hồ đứng lên, ngồi xuống vì bắt gặp quá nhiều thú.

Thú rừng hoang dã
Thú rừng hoang dã

Đêm lửa trại cũng vang vọng núi rừng bởi tiếng hát, tiếng cười, bởi những trò chơi thử thách sự nhạy bén, thông minh, sự gắn kết, hòa đồng giữa lãnh đạo với nhân viên, giữa thế hệ trước với thế hệ sau. Hướng dẫn viên cho biết đây là đêm lửa trại đầu tiên được tổ chức ở Vườn Quốc gia Cát Tiên kể từ sau đại dịch Covid-19. Có những lúc voi về đây mỗi đêm nên không thể đốt lửa trại.

Buổi sáng, mọi người dậy sớm đi bộ để nghe chim kêu, vượn hót, xem những gia đình khỉ chuyền cành thoăn thoắt, xôn xao cả góc rừng. Tôi mượn chiếc xe đạp của Ka Tuyền đạp theo cung đường tham quan hôm qua. Không khí trong lành, mát mẻ, những giàn hoa giấy rực rỡ sắc màu, nhìn đâu cũng chỉ cây là cây rợp bóng, đến nỗi nắng chỉ đủ xuyên qua kẽ lá. Trên những cành cây chìa ra đường có những “chiếc lá bồ đề” to ghi hai thứ tiếng Việt - Anh mang thông điệp ý nghĩa: “Chúng ta không thừa hưởng trái đất từ tổ tiên chúng ta. Chúng ta mượn nó từ thế hệ tương lai” hay “Ngồi dưới bóng râm trong một ngày đẹp trời và ngắm nhìn cây cỏ xanh tươi là sự nghỉ ngơi hoàn hảo nhất”.

Sau bữa điểm tâm sáng, đoàn làm thủ tục trả phòng, tiếp tục lên xe vào làng dân tộc Mạ ở Tà Lài để trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa. Tuy cuộc sống của người Mạ đã có phần phát triển, nhưng một số nét văn hóa đặc sắc vẫn còn hiện hữu như nhà dài, nhà dệt thổ cẩm, nhà sinh hoạt cộng đồng…

Đoàn chụp hình kỷ niệm trên xe thám hiểm rừng
Đoàn chụp hình kỷ niệm trên xe thám hiểm rừng

Khép lại hành trình 2 ngày 1 đêm khám phá Vườn Quốc gia Cát Tiên là tham quan vườn mắc-ca, thưởng thức mắc-ca tươi, nóng và mua ít đặc sản làm quà.

Anh Quốc Vỵ (hướng dẫn viên) nói rằng: “Nếu có dịp, mời đoàn ghé lại Vườn Quốc gia Cát Tiên để tham quan thác trời, rừng bằng lăng Cà Độ, phòng trưng bày mẫu sinh vật, khu nghiên cứu nấm, khu cứu hộ gấu, cứu hộ động vật hoang dã, đặc biệt là đi bộ 5km vào tham quan khu đất ngập nước Bàu Sấu; cùng ăn bữa cơm rừng, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm về những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ rừng của các anh kiểm lâm; cùng thức dậy và tận hưởng không khí cực kỳ trong lành và mát mẻ ở đây hoặc có thể trở về rừng vào mùa mưa để thêm một lần cảm nhận”. Chia tay đoàn, bằng tất cả tình yêu và tâm huyết của một người đã dành cả tuổi thanh xuân và cuộc đời mình cho rừng, anh Vỵ nhắn gửi một câu giản đơn mà thâm thúy: “Không có con người, thiên nhiên vẫn tồn tại như cách mà nó hiện hữu. Nhưng không có rừng, con người sẽ chết”.

Đoàn chụp hình kỷ niệm tại cây Kơ nia
Đoàn chụp hình kỷ niệm tại cây Kơ nia

Tháng 3 có nhiều ngày đặc biệt: Ngày tôn vinh một nửa thế giới (8/3), ngày của hạnh phúc (20/3), 39 năm ngày truyền thống của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lâm Đồng (25/3) và 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3). Vậy nên, được trở về với rừng xanh yêu thương trong tháng 3 thật là ý nghĩa và đáng nhớ.

Xin trân trọng cảm ơn Ban Quan lý, Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lâm Đồng đã quan tâm, tạo điều kiện cho người lao động có một chuyến đi để nâng cao hiểu biết, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng - tài sản của quốc gia và nhận loại. Cảm ơn anh Quốc Vỵ và em Ka Tuyền đã đón tiếp, hướng dẫn đoàn khám phá vẻ đẹp hoang sơ của Vườn Quốc gia Cát Tiên!

Hẹn một ngày không xa sẽ trở lại với rừng!

ĐỖ QUYÊN.

Lượt xem: 2.531

Góp ý của bạn đọc

Enter the security code.
CAPTCHA image
Enter the code shown above in the box below.
LIÊN KẾT WEBSITE